Tại Hà Nội – Sáng Chủ nhật ngày 29/6, tại không gian Nhã Nam Books N’ Coffee (The Loop, Cầu Giấy), một workshop đặc biệt mang tên “Pha cà phê ngon tại nhà” đã thu hút đông đảo người yêu cà phê đến tham dự. Buổi chia sẻ không chỉ mang đến kiến thức thực tiễn từ chuyên gia pha chế mà còn thách thức quan niệm quen thuộc về một ly cà phê ngon – “càng đắng càng chất”.

Cà phê ngon không phải lúc nào cũng… đắng
“Cà phê phải đắng mới ngon” từ lâu đã ăn sâu trong thói quen của nhiều người Việt. Tuy nhiên, tại workshop lần này, barista Nguyễn Quốc Anh – đồng sáng lập 8AM Coffee & Roastery với 8 năm kinh nghiệm – đã trực tiếp hướng dẫn và chứng minh điều ngược lại: một ly cà phê ngon thực sự không cần phải đắng gắt hay nồng cháy như nhiều người lầm tưởng.
Anh chia sẻ: “Mùi cao su cháy mà chúng ta thường ngửi thấy ở cà phê rang đậm không phải là dấu hiệu của chất lượng. Đó là nốt hương tiêu cực, phản ánh kỹ thuật rang sai hoặc hạt kém chất lượng.” Thay vào đó, cà phê ngon cần giữ được hương vị thật sự của hạt, từ vị ngọt tự nhiên đến các tầng hương như hoa, trái cây, caramel…
Buổi workshop được lấy cảm hứng từ cuốn “Pha cà phê ngon tại nhà” của James Hoffmann – nhà vô địch Barista thế giới 2007, tác giả của nhiều đầu sách cà phê nổi tiếng như Bản đồ thế giới cà phê. Cuốn sách này không chỉ là best-seller của Sunday Times mà còn được mệnh danh là “kinh thánh” dành cho người yêu cà phê thủ công.

Tại sự kiện, người tham dự không chỉ được trò chuyện về cà phê mà còn trực tiếp thực hành pha chế theo hai phương pháp: dụng cụ phin truyền thống và V60 pour-over – kỹ thuật hiện đại được ưa chuộng toàn cầu.
Điểm nhấn thú vị của workshop là phần so sánh trực tiếp ba loại cà phê với mức giá dao động từ 16.000 đồng/kg (robusta honey) đến 95.000 đồng/kg (Honduras brandy). Qua đó, người tham gia hiểu rằng chất lượng hương vị không chỉ phụ thuộc vào giá tiền, mà còn ở cách pha chế, tâm thế thưởng thức và sự am hiểu về cà phê.
“Tôi không ngờ chỉ cần thay đổi cách pha, ly cà phê buổi sáng ở nhà đã ngon hơn rất nhiều,” một người tham dự hào hứng chia sẻ sau phần thực hành.


Hành trình chuyển mình của văn hóa cà phê Việt
Workshop không chỉ dừng lại ở kỹ thuật pha chế mà còn mở ra một cách tiếp cận mới đối với cà phê – không còn chỉ là một loại thức uống để “tỉnh táo”, mà trở thành nghệ thuật sống.
“Trước đây, cà phê với tôi là thói quen mỗi sáng để chống lại cơn buồn ngủ. Nhưng giờ tôi hiểu, mỗi loại cà phê đều có thể kể một câu chuyện riêng,” chị Minh Hương (32 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Sự thay đổi trong tư duy này đang lan rộng trong cộng đồng. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc hạt, phương pháp canh tác, rang xay và thậm chí là câu chuyện của người nông dân trồng cà phê. Việc thưởng thức cà phê trở thành một nghi thức – như cách người ta thưởng rượu vang hay trà đạo – cần sự kiên nhẫn, tập trung và cả lòng tôn trọng với thiên nhiên.
Workshop cũng gửi gắm một thông điệp đơn giản: ai cũng có thể pha cà phê ngon tại nhà, chỉ cần kiến thức cơ bản và dụng cụ vừa túi tiền. Một chiếc bình V60, cân điện tử và sự tỉ mỉ là đủ để biến góc bếp thành một quầy bar thu nhỏ.
Workshop “Pha cà phê ngon tại nhà” do Nhã Nam Books N’ Coffee tổ chức, với sự hướng dẫn của barista Quốc Anh, được xây dựng dựa trên tinh thần thực hành và chia sẻ từ cuốn sách của James Hoffmann. Đây được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho nhiều hoạt động văn hóa cà phê chất lượng tại Việt Nam trong tương lai.




